1. Nhất cự ly
Gần như 100% các bạn mới bắt đầu đi học đều sẽ bị ốm sốt, điều này khó tránh khỏi kể cả khi các bé khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt vì đi học là con bước vào một môi trường xa lạ với những thói quen sinh hoạt mới tinh và điều kiện chăm sóc không thể bằng ở nhà, vì thế, các mẹ cũng không nên quá lo lắng, việc nên làm là hạn chế tối đa các nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Chọn một trường học ở gần nhà là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ đó. Bởi vì, trường gần nhà, con có thể sẽ không phải ngủ dậy quá sớm, hạn chế tiếp xúc với khói bụi trên đường, đặc biệt là trong những ngày nắng mưa. Nếu không thể chọn một trường tốt ở gần, có thể chọn trường thuận tiện đường bố mẹ đi làm để sinh hoạt gia đình ít bị xáo trộn nhất và đảm bảo được thời gian đưa đón con đến trường.
2. Chọn trường hay chọn cô?
Môi trường sư phạm và cơ sở vật chất tốt đúng là sự lựa chọn hoàn hảo cho các mẹ, tuy nhiên, hiện nay các con hầu hết bắt đầu đi học lúc khoảng 18 tháng tuổi, có con sớm hơn (12 tháng tuổi), ở độ tuổi này, điều con cần nhất vẫn là sự quan tâm chăm sóc và tình yêu thương của những người xung quanh. Ngay cả khi con đã lớn hơn, việc con được học một cô giáo tốt và hiểu rõ tính cách của con vẫn quan trọng hơn việc con được gửi ở một ngôi trường hiện đại, tính học phí bằng tiền đô nhưng liên tục thay đổi giáo viên hoặc giáo viên không thực sự chuyên tâm với nghề. Vì thế, thay vì để ý xem trường đạt tiêu chuẩn “mấy sao”, có gắn camera trong lớp hay không, khi đến thăm quan, tìm hiểu một ngôi trường, các mẹ hãy quan tâm đến hành xử của các giáo viên và cách họ chăm sóc, đối xử với các em bé để quyết định có cho con học ở ngôi trường đó hay không. Trực quan bản năng của các bà mẹ sẽ mách bảo bạn ai sẽ là người sẽ đối xử tốt với con mình.
3. Trước lạ, sau quen
Hãy chuẩn bị tâm lý cho con thật kĩ trước khi quyết định cho con đi học, bắt đầu bằng việc cho con làm quen đám đông, tập và quan sát cách con chơi với các bạn cùng tuổi khác, đặc biệt là cho con đến chơi ở ngôi trường mà con sẽ học… Có khi, thái độ và cảm xúc của con khi đến chơi thăm quan ở trường sẽ thay đổi hoàn toàn quyết định của bạn, vì cảm nhận của con về thầy cô, bạn bè mới là quan trọng nhất. Có thể khi đi học thật con sẽ vẫn khóc đòi mẹ, nhưng nếu được ở bên những người con có thiện cảm và biết cách quan tâm đến con thì con sẽ nhanh chóng thích nghi và ổn định tâm lý hơn. Ngoài ra, mẹ nên biết rõ lịch ăn, chơi, ngủ của trường mà con sẽ học để dần dần hướng con theo thời gian biểu đó, đây cũng là một bước để giúp con không bị “sốc” khi đi học, giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ sức khỏe cho con. Khi con đi học, mẹ cũng nên chia sẻ kĩ những thói quen và tích cách của con với cô để giúp cô “hòa nhập” với con nhanh hơn.
4. Chuẩn bị “hành trang” cho con
Hành trang “nhập ngũ” của con đơn giản là một chiếc ba lô, và chiếc ba lô này sẽ thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ với con. Mẹ nên quan sát độ rộng tủ để đồ của con ở lớp để mua ba lô cho phù hợp. Nhiều bạn mua ba lô không để vừa ngăn tủ ở lớp nên rất phiền phức cho con. Đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng nếu bố mẹ để ý một chút sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi đến lớp.
Mẹ không nên ghi trực tiếp lên ba lô của con vì sẽ khó thay đổi những thông tin ghi trên đó khi bé chuyển lớp mới, trường mới. Nhất thiết phải có địa chỉ, số điện thoại của bố hoặc mẹ và người thân ở gần trường bé nhất. Không nên ghi quá nhiều số điện thoại.
Mẹ hãy chuẩn bị cho con ít nhất 2 bộ quần áo theo mùa, khăn thấm mồ hôi, quần chip, tất… và thêm bỉm nếu con còn dùng bỉm. Cuối cùng, mẹ hãy cất vào ba lô của con một người bạn thú bông, hoặc đồ chơi mà con thích nhất, “người bạn” này sẽ an ủi con rất nhiều khi con đi học.
5. Giúp con làm một “chiến sĩ” mạnh mẽ
Cho dù trường học, cô giáo có hoàn hảo đến đâu mà bé con của bạn yếu đuối, nhút nhát, khó hòa nhập… thì bé sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, vì trong một lớp nhiều học sinh (ít nhất cũng hơn 10 bạn) cô không thể dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc và cưng nựng đặc biệt một bạn nào đó. Vì thế, bé càng độc lập, càng ý thức rõ được mình đi học thì bé sẽ càng thích nghi nhanh và sớm yêu trường lớp, bạn bè.
Mẹ hãy dành nhiều thời gian để nói chuyện với con về trường lớp, dành nhiều thời gian cùng con đến trường từng bước làm quen, mẹ hãy dạy con những thói quen tự phục vụ bản thân, cái gì tự làm được thì nên để con tự làm, đặc biệt nên dạy và luôn nhắc nhở con các thói quen vệ sinh (rửa tay, giữ tay sạch sẽ…)… Tất nhiên, điều nay còn phụ thuộc nhiều vào cá tính của từng bé, nhưng càng chuẩn bị cho con kĩ càng bao nhiêu thì việc đi học của con sẽ càng thuận lợi và ít nước mắt bấy nhiêu, bởi vì, chỉ có mẹ mới là người hiểu và yêu thương con nhất để biết điều gì con thực sự cần, điều gì giúp con khỏe mạnh và điều gì khiến con vui vẻ, hạnh phúc.
6. Chuẩn bị tốt tâm lý cho bé
Trước khi cho bé đi học vài tháng, phụ huynh cần nói chuyện nhiều lần với bé, “vẽ” ra một bức tranh thú vị về ngôi trường mà bé sẽ đến học (một số phụ huynh rất sai lầm khi thường xuyên đem nhà trường và cô giáo ra dọa: “Con không chịu ăn, mai cho đi học, bị bỏ đói cho biết”, “Con hư quá, kêu cô giáo đến đánh đòn”…
Từ đó bé có ác cảm với chuyện đi học). Trong quá trình nói chuyện hãy giải thích cho bé hiểu khi con đi học thì cha mẹ, ông bà làm gì; rằng con chỉ ở trường ban ngày thôi, buổi chiều bố mẹ lại đón về nhà. Ngoài ra, người chăm sóc bé (có thể là ông bà, bố mẹ…) nên cho trẻ đến thăm và ở lại chơi trong khuôn viên trường để bé làm quen với không khí của trường mầm non.
Khi chuẩn bị quần áo, vật dụng cho bé đi học, phụ huynh hãy thực hiện trước mặt bé, thông báo cho bé biết: “Mẹ chuẩn bị cho con đi học đấy”. Những lúc đưa bé đến trường, phụ huynh hãy trò chuyện vui vẻ, thân mật với cô giáo trước mắt bé. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng: về mặt tâm lý khi trẻ thấy ông bà hoặc bố mẹ mình (những người yêu thương, gần gũi với bé) tỏ ra thân thiết với giáo viên thì trẻ sẽ có cảm giác cô giáo cũng yêu thương, gần gũi với mình.