Cần làm gì để chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, trong thời gian trẻ nghỉ học ở nhà để phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Đã hơn hai tháng qua, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, lại gặp phải dịch bệnh Covid-19, nên trẻ phải ở nhà thời gian khá dài để phòng, chống dịch. Sau đây xin giới thiệu một số biện pháp giúp cha mẹ trẻ chăm sóc trẻ, trong thời gian trẻ tiếp tục nghỉ học ở nhà.
Với trẻ mầm non, hoạt động chủ đạo là vui chơi; vì vậy việc hỗ trợ các bậc cha mẹ hiểu và tham gia chăm sóc, giáo dục phù hợp với tâm sinh lý của trẻ mầm non là điều quan trọng trong dịp này. Thực tế là trong thời gian trẻ ở nhà, sinh hoạt bị xáo trộn, trẻ ăn ngủ không điều độ, nhiều trẻ gửi ông, bà chăm sóc được nuông chiều theo ý thích của trẻ nên trẻ không ngoan, một số trẻ lại giảm cân do ăn uống không điều độ. Sau đây xin giới thiệu một số biện pháp giúp cha mẹ trẻ (Sau đây gọi tắt là phụ huynh) chăm sóc trẻ tốt nhất, trong thời gian nghỉ ở nhà.
Thứ nhất: Dù ở nhà với bố mẹ hay gửi người thân chăm sóc trẻ, bố mẹ cũng phải lên lịch cho trẻ sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ; buổi tối không cho trẻ chơi quá muộn, buổi sáng tập cho trẻ dậy trước 7h30, tránh cho trẻ ngủ dậy muộn, ăn sáng muộn, sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn trưa, trẻ sẽ chán ăn; buổi trưa phụ huynh tập cho trẻ ngủ ít nhất là 1 tiếng rưỡi.
Thứ hai: Về chế độ ăn uống của trẻ, cần phải cho trẻ ăn uống điều độ. Nên cho ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và chia làm nhiều bữa nhỏ; đa dạng hoá bữa ăn với nhiều loại thực phẩm khác nhau, thay đổi cách chế biến và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn được nhiều; cho trẻ uống nhiều nước, nước ép quả tươi và ăn thêm quả chín và cung cấp thêm các vitamin, đặc biệt là vitamin A và vitamin C, để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Thứ ba: Về các hoạt động chơi, học của trẻ, trẻ mầm non “học bằng chơi”. Ở nhà nhiều gia đình, đồ chơi không phong phú, trẻ lại không có bạn chơi, trẻ ở trong nhà nhiều ngày trẻ sẽ nhàm chán với các đồ chơi nên sẽ dẫn đến thích tò mò, khám phá những đồ dùng trong nhà và trò chơi không an toàn; vì vậy phụ huynh cần phải gần gũi trò chuyện với trẻ, là một bạn chơi của trẻ, hướng dẫn cho trẻ biết các kỹ năng đơn giản thông qua các trò chơi. Hướng dẫn trẻ phụ giúp một số việc phù hợp: Gấp quần áo giúp mẹ, khi gấp quần áo cho trẻ cài cúc áo, quần, kéo xéc; xếp đồ chơi sau khi chơi xong; lau dọn bàn ghế, với hoạt động này giúp cho trẻ có các kỹ năng tự phục vụ và phát triển các kỹ năng vận động tinh (các cơ bàn tay, ngón tay…), hình thành các thói quen ngăn nắp gọn gàng và giúp trẻ phát triển nhận thức.
Với trẻ lớp 5 tuổi để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, có thể tổ chức một số hoạt động như: Dạy cho trẻ nhận biết 29 chữa cái và 10 chữ số thông qua thẻ chữ cái hoặc các hình ảnh có từ kèm theo ( Lưu ý: ở trường mầm non, trong 1-2 tuần chỉ dạy cho trẻ 1-3 chữ cái thông qua các hoạt động học, trò chơi vì vậy phụ huynh không nên ép trẻ phải nhận biết, đọc được chữ nhiều khi mới cho trẻ làm quen mà phải kiên trì, trẻ nhỏ tính chú ý còn hạn chế trẻ nhanh quên, vì vậy không được nôn nóng trong khi hướng dẫn trẻ). Phụ huynh có thể đọc truyện cho trẻ nghe, thông qua những câu chuyện đó để giáo dục trẻ biết yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu con vật, đồ vật…; Cho trẻ nghe nhạc và vận động nhẹ nhàng theo những bài hát của trẻ mầm non, từ đó trẻ phát triển về cảm xúc trong khi nghe nhạc và cũng phát triển thể chất cho trẻ khi vận động theo nhạc, cho trẻ tô màu, vẽ, nặn thể hiện những cảm xúc nghệ thuật theo khả năng của trẻ nhằm phát triển kỹ năng cầm bút, kỹ năng ngồi vẽ đúng tư thế, phát triển khả năng tư duy và trí tưởng tượng cho trẻ.
Thứ tư: Trong sinh hoạt hằng ngày ở gia đình làm sao để khi trẻ đến trường sinh hoạt theo được nền nếp ở lớp học, phụ huynh cần phải chú ý giáo dục cho trẻ các kỹ năng trong vệ sinh, ăn, ngủ: Giờ ăn với trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên phụ huynh cho trẻ tự xúc ăn, ăn xong nhắc trẻ cất đồ dùng để ăn, đi súc miệng, đánh răng; Vệ sinh trước khi ăn, sau khi ăn; Vệ sinh trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, những hoạt động tự phục vụ được theo lứa tuổi, phụ huynh không nên làm hộ trẻ, nếu làm hộ trẻ tạo cho trẻ thói quen ỉ lại, không biết tự phục vụ, khi đến trường trẻ sẽ vụng về, chậm chạp trong các hoạt động.
Phát triển toàn diện cho trẻ thông qua các hoạt động vui chơi, sinh hoạt hằng ngày là rất quan trọng, nên trong các hoạt động phụ huynh phải gợi ý, hướng dẫn cho trẻ, mỗi ngày làm một hoạt động nhỏ, lặp đi, lặp lại sẽ giúp cho trẻ có được các kỹ năng, kiến thức trong cuộc sống hằng ngày, mong phụ huynh chúng ta cần quan tâm chăm sóc giáo dục trẻ trong những ngày nghỉ ở nhà, để giúp trẻ có được nề nếp sinh hoạt, vui chơi, ăn, ngủ nhằm đảm bảo sức khỏe, phát triển tốt về thể lực, trí tuệ chuẩn bị tốt cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn sau này.
Đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ mầm non trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trẻ em lứa tuổi mầm non là giai đoạn phát triển nhanh, mạnh mẽ về thể chất, tình cảm xã hội và nhận thức; trẻ rất hiếu động, luôn tò mò tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh cuộc sống thường ngày. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ một số lưu ý khi phụ huynh tổ chức chăm sóc, các hoạt động vui chơi, giáo dục đối với trẻ; luôn đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, để giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần bình thường.
Thứ nhất: Phụ huynh cần tạo môi trường an toàn cho trẻ.
Trẻ được an toàn về sức khỏe: Cần đảm bảo chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho trẻ uống nước đầy đủ. Vệ sinh cá nhân để tăng sức đề kháng, phòng tránh các bệnh thường xẩy ra với trẻ khi thời tiết chuyển mùa; đặc biệt chú ý hướng dẫn trẻ có thói quen trong việc phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 như: Vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; đánh răng, súc miệng bằng nước muối; đeo khẩu trang khi đi ra đường, hoặc khi tiếp xúc với người ngoài; không chạy đến chơi ở những chỗ đông người. Phụ huynh nên rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh đồ chơi trước khi chơi với trẻ.
An toàn về tâm lý: Tạo cảm giác vui vẻ cho trẻ, đáp ứng như cầu vui chơi phù hợp với lứa tuổi; tránh dọa nạt, phạt mắng thô bạo với trẻ.
An toàn về tính mạng: Tạo cho trẻ không gian chơi trong nhà đảm bảo an toàn, nền nhà tránh trơn trượt, không để các vật sắc nhọn, phích nước, ổ điện và các đồ chơi không đảm bảo an toàn trong phòng chơi của trẻ, những đồ dùng nguy hiểm cần để ngoài tầm với của trẻ. Đồ dùng, đồ chơi cho trẻ chơi phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Khi trẻ chơi với các đồ chơi, người lớn cần phải dám sát, hoặc hướng dẫn kỹ cho trẻ trước lúc chơi.
Thứ hai: Phòng một số tai nạn có thể xẩy ra với trẻ.
Phòng tránh tai nạn đuối nước: Người lớn luôn ở bên cạnh để giám sát trẻ, không để trẻ đi ra những nơi không đảm bảo an toàn như ao, hồ, kênh rạch, không để trẻ chơi cạnh những xô, chậu chứa nước; Không để trẻ vào nhà vệ sinh một mình. Các giếng nước, bể nước phải xây cao thành, các dụng cụ chứa nước như chum, vại, xô phải có nắp đậy chắc chắn.
Phòng tránh tai nạn giao thông: Không cho trẻ ra đường một mình, không để các anh, chị dưới 15 tuổi chở trẻ đi trên các phương tiện giao thông. Khi cho trẻ đi bộ phải dắt trẻ đi trên vỉa hè, đi phía tay phải để tạo thói quen cho trẻ. Khi người lớn chở trẻ đi trên các phương tiện giao thông xe đạp, xe máy cần cho trẻ ngồi an toàn. Khi đi ra đường không tiếp xúc với người lạ mặt, biết gọi người lớn khi người lạ mặt đến gần hoặc trêu chọc.
Phòng tránh dị vật đường thở: Không cho trẻ cầm các đồ chơi quá nhỏ có thể cho vào miệng, mũi; Khi cho trẻ ăn các quả có hạt cần bóc bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn; Giáo dục trẻ khi ăn không được vừa ăn vừa đùa nghịch hoặc nói chuyện; Không ép trẻ ăn, uống, khi trẻ đang khóc.
Phòng tránh cháy, bỏng: Phụ huynh cần phải kiểm tra thức ăn trước khi cho trẻ ăn, uống. Tránh cho trẻ ăn thức ăn, uống nước khi còn quá nóng: Không cho trẻ đến gần nồi đun bếp ga, bếp củi nồi canh hoặc phích nước còn nóng; Không để trẻ nghịch diêm, bật lửa và các chất khác gây cháy bỏng. Để diêm, bật lửa, bàn là, nước nóng, nến, đèn dầu xa với tầm với của trẻ. Giáo dục cho trẻ biết đồ vật và nơi nguy hiểm.
Phòng tránh điện giật và phòng tránh các vết thương do vật sắc nhọn: Không sờ vào ổ điện, không tự động cắm các đồ dùng vào ổ điện; Loại bỏ những vật sắc nhọn bằng kim loại, mảnh thủy tinh, gốm, sắt khỏi nơi vui chơi của trẻ.
Phòng tránh động vật cắn: Không để trẻ chơi các bụi cậy rậm phòng tránh các con rắn, rết, ong cắn; Không để trẻ đến gần chó hoặc mèo lạ.
Phòng tránh tai nạn do ngộ độc: Không để bếp than, bếp củi đang đun hoặc đang ủ gần nơi sinh hoạt của trẻ. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến các món ăn cho trẻ.Không cho trẻ chơi những chai, lọ đựng thuốc, đựng màu gây độc hại cho trẻ; Không được đựng thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc chuột, a-xít, dầu hỏa vào chai nước khoáng, nước ngọt, lon bia, dầu ăn..; Thuốc chữa bệnh phải để trên cao ngoài tầm với của trẻ.
Thứ ba: Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nên thường xuyên trò chuyện, dạy trẻ nhận biết những nơi không an toàn, dạy cho trẻ các kỹ năng trong vui chơi, sinh hoạt để đảm bảo an toàn cho bản thân; Giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm của những đồ dùng, đồ chơi, trò chơi không an toàn để từ đó trẻ hiểu và có kỹ năng phòng tránh.
Với mong muốn các bé mầm non được đảm bảo an toàn cả thể chất và tinh thần, xin được gợi ý một số giải pháp về đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ như trên để phụ huynh tham khảo, phối hợp tốt với nhà trường trong việc chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình trong thời gian nghỉ học.