Vào khung giờ đưa, đón học sinh, người đi đường thường xuyên bắt gặp những hình ảnh phụ huynh đưa đón con nhỏ đến trường hoặc về nhà thản nhiên không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Việc phụ huynh đưa đón con đến trường vi phạm luật giao thông sẽ khiến con trẻ bắt chước, gây ra những hệ lụy khôn lường cho cả gia đình và xã hội.
Nếu chỉ là những lỗi hiếm gặp, phụ huynh có thể ngụy biện rằng do vội vàng không để ý, hay lâu ngày quên luật. Thế nhưng những lỗi cha mẹ rất thường xuyên mắc phải trước mặt con như những hành vi trên thì rất khó để biện minh cho hành vi của mình được.
Tại các cổng trường học, có thể thấy nhiều bậc phụ huynh vô tư đèo con kẹp 3; 4, và không hề đội mũ bảo hiểm cho cả người điều khiển và người ngồi đằng sau phương tiện. Bên cạnh đó, ngay tại các cổng trường học cũng thường diễn ra tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông. Nguyên nhân xuất phát từ việc phụ huynh đến đón con đã dừng, đỗ phương tiện lộn xộn, sai quy định, lấn chiếm lòng đường.
Với trẻ nhỏ, việc tiếp thu và bắt chước thực hiện hành vi của người lớn là vô cùng nhanh chóng. Về lâu về dài, sự tương tác đó lặp đi lặp lại, thì sẽ ăn sâu vào ý thức của trẻ, các bước xử lý đối với các tính huống thực tế cũng nhanh hơn, tạo nên tính cách của chúng sau này. Có thể nói rằng con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.
Phụ huynh phải làm gương cho con em mình
Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã ký chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, khẳng định, ngành Công an và giáo dục sẽ tập trung vào một số nội dung như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên.
Tình trạng PHHS và học sinh vi phạm Luật Giao thông vẫn xảy ra, trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi thế, nhà trường phải tăng cường GD học sinh khi tới lớp; khi trẻ ra đường thì trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm là của CSGT. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình, bởi ngoài việc giáo dục con cái tuân thủ pháp luật, gia đình có vai trò quyết định tới việc có hay không trao cho con quyền sử dụng phương tiện giao thông. Sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của con trẻ ... Do vậy, gia đình, các bậc PHHS cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu với thế hệ tương lai của đất nước. Nếu PHHS không giáo dục kiến thức về ATGT cho con thì trẻ dễ nhiễm thói xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. PHHS cần làm gương, thường xuyên nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ mình và người thân. Tuy nhiên hiện nay, nhiều PHHS vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này.
Nguy cơ tiềm ẩn: ATGT cho trẻ em là vấn đề được quan tâm hằng ngày. Tuy nhiên, còn rất nhiều phụ huynh lơ là các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.
Dễ thấy nhất là tình trạng chở trẻ em đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hoặc không có đai bảo vệ. Thậm chí, nhiều người còn một tay ẵm trẻ nhỏ, một tay điều khiển xe máy thong dong trên đường… Những hành động đó được cho là gây nguy cơ lớn tới sự an toàn của cả người lớn và trẻ nhỏ.
Để giúp trẻ nhận thức, hình thành thói quen chấp hành quy định về ATGT, cha mẹ phải là người gương mẫu chấp hành. Tuy nhiên hiện nay, nhiều PHHS chưa chú trọng đến vấn đề này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở trẻ em. Song, nguyên nhân chủ yếu vẫn do ý thức, thái độ của PHHS đối với việc chấp hành quy định của pháp luật về ATGT.
Đã không ít lần người đi đường thót tim khi người lớn một tay lái xe, một tay ôm hờ trẻ em đang ngủ phía sau. Nhiều bà mẹ còn vô tư cho trẻ đứng nhảy múa trên xe khi đang chạy với tốc độ cao… Cha mẹ cần làm gương cho trẻ trong việc chấp hành luật lệ giao thông. Thế nhưng, thay vì giáo dục con ý thức chấp hành, có những người còn hùa theo ý thích của trẻ. Thậm chí, “kéo” con vào vi phạm, dẫu biết điều đó không được phép. Tình trạng PHHS chở con đi học không chấp hành quy định ATGT cũng diễn ra phổ biến, đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ. Những hành động đó được cho là có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức của trẻ.
Kết hợp thực tế với lý thuyết
Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ. Do đó, một sơ suất nhỏ cũng có thể đem đến hậu quả đau lòng. Có lẽ, nhiều vụ tai nạn giao thông sẽ không xảy ra, nếu người lớn nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, hoặc thường xuyên, nghiêm khắc giáo dục trẻ chấp hành luật ATGT.
Trước hết, cha mẹ phải giải thích cho trẻ những thông tin cần thiết về giao thông đường bộ. Đồng thời, nói về những rủi ro trẻ sẽ gặp phải nếu không tuân thủ luật giao thông. Cha mẹ cũng cần nói với các con rằng, việc không tuân thủ luật giao thông không những ảnh hưởng đến trẻ, mà còn mọi người xung quanh. Ví dụ, nếu trẻ qua đường không quan sát đèn tín hiệu thì, không chỉ bản thân con sẽ bị thương, mà người vô tình va phải cũng sẽ ảnh hưởng.
“Trẻ con vốn hiếu động và nhận thức chưa cao. Vì thế, cha mẹ hãy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để giúp con yêu ghi nhớ lâu hơn. Cha mẹ có thể thông qua thực tế bằng việc tham gia giao thông cùng trẻ, chỉ dẫn cho con trên thực tế. Hoặc, thông qua các tranh, ảnh, video clip, bài hát, bài thơ, màu sắc… về an toàn khi tham gia giao thông. Khi đó, con vừa có thể hình dung vấn đề cha mẹ đang nói, vừa ghi nhớ dễ dàng và lâu hơn những kỹ năng cần thiết”.
Điều quan trọng nhất là khi cùng trẻ ra ngoài đường tham gia giao thông, phụ huynh phải là người tuân thủ chấp hành luật nghiêm chỉnh trước. “Nếu trước mặt trẻ mà cha mẹ vượt đèn đỏ hoặc không đội mũ bảo hiểm hay phóng nhanh, thì đương nhiên những lời dạy của mình đối với con sẽ không còn giá trị gì nữa cả. Vì vậy, cha mẹ hãy gương mẫu trước để các con học tập và noi theo”./.
TRƯỜNG MN THANH XUÂN BẮC