Nguồn năng lượng tốt lành trong gia đình có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời. Trẻ có lớn lên trở thành những đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào bầu không khí và mối quan hệ gắn bó trong gia đình suốt thời thơ ấu.
Năm mới đến rồi, bên cạnh những mong ước bình an và hạnh phúc dành cho những người thân yêu, ba mẹ có thể bắt đầu làm những điều giản dị dưới đây để luôn giữ được nguồn năng lượng tích cực và tốt lành trong gia đình mình, để từ đó, tạo ra một môi trường sống lành mạnh, tràn đầy tình yêu thương giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
1. Duy trì bữa ăn gia đình
Bữa ăn gia đình là nền tảng quan trọng để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ từ nhỏ. Khi cả nhà cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, trẻ được tham gia vào việc lựa chọn, chế biến thực phẩm để làm giàu hiểu biết của mình về đồ ăn; đồng thời tạo ra niềm vui với việc ăn uống. Thời gian cả nhà quây quần trong bữa ăn gia đình cũng là một khoảng thời gian chất lượng để chia sẻ về những câu chuyện, cảm xúc mà trẻ trải qua trong ngày. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ thường xuyên được ăn cơm cùng ba mẹ sẽ có kết quả học tập ở trường tốt hơn và khả năng tập trung cao hơn.
2. Hoạt động thể chất hàng ngày
Mỗi ngày, hãy dành từ 30-60 phút để cùng con vận động thể chất ngoài trời. Cả nhà có thể cùng đi dạo, chạy bộ, chơi đánh cầu lông, đá cầu, nhảy dây hay bất cứ trò chơi vận động thể chất nào, đó không chỉ là lúc trẻ được giải phóng năng lượng mà còn giúp cơ thể trẻ sản sinh ra các hóc-môn hạnh phúc để phát triển não bộ và thể chất một cách toàn diện, lành mạnh.
Theo tổ chức Unicef, trẻ có thể tăng trưởng tầm vóc và thể lực một cách tối ưu khi được cha mẹ hướng dẫn và tạo điều kiện để tiếp cận với những hoạt động thể chất phong phú. Việc theo đuổi một môn thể thao yêu thích giúp trẻ rèn luyện nhiều đức tính tốt trên hành trình trưởng thành, như tính bền bỉ, sự tự tin, tinh thần đồng đội và khả năng kết nối.
3. Trò chuyện với con hàng ngày
Dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con hàng ngày là cách tuyệt vời để ba mẹ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe, yêu thương và thấu hiểu. Tạo thói quen chia sẻ cùng là một trong những cách để duy trì kết nối và sự gắn bó giữa ba mẹ và con một cách hiệu quả. Điều này giúp ba mẹ kịp thời nắm bắt được những khó khăn, suy tư và cảm xúc của con để chia sẻ, hỗ trợ trẻ đúng cách hay đơn giản là mang đến cho trẻ cảm giác an toàn khi có người đồng hành với mình.
Trò chuyện cùng con còn mang đến sự đồng cảm và trấn an trong những giai đoạn khó khăn như giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Hàng loạt những thông tin tiêu cực mà trẻ tiếp nhận hàng ngày có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng thì những cuộc trò chuyện gần gũi, cởi mở sẽ giúp trẻ hiểu về những trải nghiệm mà trẻ trải qua, biết cách ứng phó và đối diện, thậm chí là giúp đỡ những người khác xung quanh mình.
4. Thời gian gắn kết 1:1
Mọi thành viên trong gia đình đều cần có khoảng thời gian gắn kết 1:1 với những thành viên còn lại và thời gian riêng dành cho bản thân mình. Hãy lên lịch để trong tuần mỗi thành viên trong gia đình đều có thời gian riêng tư với nhau, ví dụ “một giờ với ba”, “một giờ với mẹ”, “một giờ của ba mẹ”, “một giờ của anh chị em”. Trong khoảng thời gian đó, hãy làm mọi việc mà mình thích cùng nhau, hãy cùng thư giãn và vui đùa, tập trung toàn bộ sự chú tâm và tinh thần của bạn vào việc kết nối, chia sẻ và cảm nhận.
Đây thực sự sẽ là lúc “sạc pin” vô cùng hiệu quả cho mọi thành viên trong gia đình và cũng là những giây phút vun đắp cho một mối quan hệ lành mạnh và bền chặt trong suốt cuộc đời của chúng ta.
5. Xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp
Trẻ cần có bạn bè thân thiết và những mối quan hệ tốt đẹp lành mạnh xung quanh mình để tạo ra một cộng đồng gắn bó, yêu thương, tôn trọng trẻ bên ngoài gia đình. Vì thế, hãy vun đắp và dành thời gian nuôi dưỡng các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng và cộng đồng xung quanh trẻ. Những mối quan hệ này không chỉ bảo vệ, hỗ trợ mà còn giúp trẻ hình thành nhân cách, cũng như các giá trị quan trọng khác trong cuộc đời mình.